Phật học >> Bắt đầu học Phật
Lục Tặc và Lục Thông
Ngày đăng: 23-11-2024 - Lượt xem: 1099
LỤC TẶC VÀ LỤC THÔNG
ooooOoooo
DẪN KHỞI: Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm Đức Phật dạy: “A Nan, ông muốn biết câu sanh vô minh là cái đầu gút khiến ông luân chuyển sanh tử, thì nó chính là sáu căn của ông chứ không phải vật gì khác. Ông muốn biết tánh vô thượng Bồ Đề khiến ông mau chứng an lạc giải thoát tịch tịnh diệu thường cũng là sáu căn của ông chứ không phải vật gì khác”.Mỗi con người đều có một năng lực tiềm ẩn trong ta mà không tự biết phát huy, lại do không có định hướng chính xác, chạy theo trần cảnh bên ngoài nên lầm mê trong sanh tử. Các thiền môn thường thờ tượng đức Di Lặc, một trong những hình tượng đặc thù nhất của ngài là hình tướng mập mạp, ngồi cười hoan hỷ mặc cho sáu đứa nhỏ vây quanh đùa giỡn; đứa móc mắt, đứa ngoáy tai, đứa banh miệng, đứa bóp mũi, kẻ thì cưỡi cổ. Thật ra đây là tiêu biểu cho pháp tu Duy Thức thành tựu tâm bất động, tự tại trong sáu căn sáu trần, mặc cho lục tặc tung hoàng mà tâm thường hoan hỷ an nhiên bất động. Để hiểu rõ hơn về bản tâm, chúng ta nên tìm hiểu về Lục Tặc và Lục Thông tức sáu giặc khuấy nhiễu thân và sáu năng lực của bản thân hay sáu thần thông khi người thành tựu chánh định của thánh nhị thừa và Bồ Tát, siêu việt được căn trần.
CHÁNH ĐỀ:
Định nghĩa: Lục tặc chỉ cho sáu trần Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp vì sáu trần nhân sáu căn làm môi giới cướp đoạt tất cả thiện pháp nên dụ là giặc. Phần đông trong cuộc sống chúng ta để mắt tai mũi lưỡi thân ý chạy theo cảnh trần vui thích tạo bao lỗi lầm nghiệp vọng mà nào hay biết. Hiền thánh thì rõ biết hoạ căn nên gìn tâm phòng ý tuy đối cảnh duyên nhưng không để tâm chạy theo trần cảnh, như kệ nói: “Muốn qua bỉ ngạn phải dừng tâm, đừng để muôn duyên hoạt động ngầm, bặt dứt sắc thanh dừng ngựa ý. Thời gian một niệm ví muôn năm”. Vì muốn cảnh tỉnh người tu phải thường hằng tịnh giác nên trong kinh Tạp A hàm Đức Phật dạy: “Này các ông! Trong thân các ông luôn có sáu tên giặc theo rình rập, nếu gặp phải giết ngay…”. Sáu tên giặc này dụ cho sáu thứ ái hỷ hay căn duyên trần vui thích bất giác. Kinh Độc Xà Dụ thì cho là sáu căn là giặc cướp người tu phải thường ngừa. Kinh Di giáo thì dạy: “Các Tỳ Kheo không nên phóng túng các căn theo trần cảnh như người chăn trâu không cho ăn lúa mạ người”. Tóm lại, sáu giặc phát sanh do vì tâm vọng tưởng chạy theo trần cảnh, nếu tâm hằng tỉnh giác không chạy theo cảnh duyên thì sáu giặc không sanh, nếu phóng tâm theo cảnh thì sáu giặc tung hoành, phá tan tất cả công đức thanh tịnh. Vì thế, cổ đức dạy:
Vọng niệm vừa sanh thần dời xa, Thần dời sáu giặc loạn tâm ta.
Tâm điền đã loạn thân không chủ, Sáu nẻo luân hồi trước mắt ta.
Sắc trần: sắc tức sắc chất hình thể đẹp xấu. Trần tức trần cảnh hay hình ảnh tướng mạo bên ngoài, tiếp thọ qua mắt “Văn Sáu Thời Lễ Sám” của Trần Thái Tông nói: “Nghiệp căn mắt ấy, nhân ác nhìn kỹ, nghiệp thiện chỉ xem qua. Nhận lầm đốm hoa không, quên đi mặt trăng thật. Ghét yêu nổi dậy tốt xấu chen nhau. Mắt liếc sanh càn, lu mờ chánh kiến…”. Tóm lại, do quên mất chánh tri kiến chạy theo sắc trần, tạo nghiệp mê lầm nên trở thành giặc, phá tan bao công đức lành mà nào ai rõ. Chỉ có bậc trí giả mới thường tự phản tỉnh. Vì thế, cổ nhân mắt không nhìn sắc phi lễ, ngó nhìn đoan chánh ngay thẳng, thường hằng phản quan tự kỷ, không theo vọng trần nên nhìn rõ thật tướng tất cả pháp không mê lầm, thấu suốt tất cả quy luật biến chuyển của vạn hữu nhơn sanh không lìa tâm hiện. Lại dùng vi diệu sắc thân viên thành thế nghiệp hay đạo màu vô thượng. Người si mê chạy theo sắc nên bị trói buộc tạo bao ác nghiệp trói thân theo nghiệp luân chuyển không cùng. Kẻ có sắc tinh ranh thì dùng vốn nhà quyến rũ, tạo nên sự nghiệp công danh. Thế nhưng, tất cả đều chìm trong lưới mộng luân chuyển khổ đau trong các thú, chẳng thể hiểu được lý đạo nhiệm mầu.
Bậc trí giả thì khéo dùng sắc tướng hình thành sự nghiệp công danh. Như một nhà buôn bán khéo biết trưng bày trang trí hàng hóa bắt mắt để dẫn dụ khách hàng.
Thanh trần: tức âm thanh tác động như tiếng nhạc oanh vàng lảnh lót, du dương trầm bổng hay êm diệu, dắt kẻ lầm mê đắm đuối, nghiệp nhà bỏ phế chạy theo thanh trần huyễn mộng luống chịu luân hồi trong cảnh khổ quên mất bản tâm thường trụ. Nghe mắng chửi não phiền sanh sự lớn, nghe âm thanh rít rõng hay âm nhạc không thích thì lánh xa chịu không được. Người có thế trí dùng âm thanh cuốn hút lòng người, lấy sắc tướng giọng hay tại thành danh tiếng lẫy lừng, phần nhiều người si cuồng loạn. Nhưng rốt lại cũng không lìa vọng cảnh khổ đau. Người ưu phiền nghe âm nhạc buông thả hết các căng thẳng nảo phiền. Nếu không nhận được thật tướng tánh không của các pháp, rõ thanh sắc hằng như mộng. Bậc trí thường tỉnh giác, xoay tánh nghe lắng lại bản tâm nên nghe khắp mười phương pháp giới mà không mê lầm. Lại thường dùng âm thanh vi diệu giáo hoá người vào chánh pháp.
Hương trần: Hương tức mùi thơm tác động đến chúng ta, chúng ta gặp hơi hôi thúi bịt mũi tránh mau, thường bị mùi hương quyến rũ sanh vô lượng lỗi lầm nhân quấy. Trong xã hội văn minh khoa học hiện đại như ngày nay, khi vật chất phát triển, hình như nêu lên điều này hơi phi lý. Thế nhưng, ngửi hương sen thành trộm, quên mất việc tu hành nên thần ao la mắng. Năm trăm Tiên độc giác hít hương thân mỹ nữ sanh đắm nhiễm mà phải thọ hình. Do tâm phân biệt chấp trước mà luống chịu luân hồi nên gọi hương trần là giặc. Nhưng bậc thánh lại nhân mùi hương mà ngộ đạo như cõi Hương Tích Đức Phật dùng mùi hương giáo hoá hay hình ảnh “Hương Nghiêm Đồng Tử do ngửi mùi hương bay vào mũi mà ngộ được bản tánh của mùi hương cũng như bản tánh của các sự vật, đều duyên khởi như huyễn, không có đến đi, không có gì là sanh, là diệt, nên chứng được tánh viên thông. Hương trần đã diệt thì tánh ngửi y nhiên”. Vậy giặc hay công đức chỉ tại tâm đắm nhiễm hay không chứ nào phải lỗi tại trần. Hình ảnh pháp sư giảng kinh hơi miệng bay ra làm A Dục vương nghi ngờ hỏi tiền nhân rồi tán thán. Hay người Ca kỹ xưa là Tỳ Kheo ni thọ trì Pháp Hoa lảu thông, vì một niệm lầm mê rốt lại hậu thân chìm trong lưới dục, ôm kiếp cầm ca theo vọng nghiệp đắng cay sóng gió. Nếu khi xưa ngay đó một niệm hồi quang thì quả thánh nào xa cách. Cho người tu hành gương răn dè kiểm thúc tâm mình trong từng niệm khởi.
Vị trần: Sanh do lưỡi nếm biết tất cả mùi vị mặn lạt chua cay, bùi béo ngon ngọt. Chúng sanh thường đắm vị ngon nên luống chịu luân hồi. Hình ảnh sa di đắm vị tô lạc sanh làm trùng váng sữa hay làm rồng tạo nghiệp cho chúng ta thấy rõ sự tai hại của vị trần nên người tu theo giáo pháp căn bản coi nó là giặc. Hình ảnh thanh niên Tisa dũng mãnh xuất gia, về sau bị cô kỹ nữ dùng vị thượng diệu mà ngài thích khuấy động tâm hồn, tăng trưởng tâm đắm trước rồi cuối cùng dắt nhau về gia quyến là điều mỗi người tu nên thận trọng quán chiếu khi thọ vị thượng diệu cũng như thô xấu xuất gia. Thế nhưng, trí giả lại nhân vị trần ngộ đạo mầu như Bồ Tát Dược Vương, Dược Thượng cho chúng ta thấy Vị Trần nào có lỗi, chỉ do tâm mê muội tự trói mình đấy thôi.
Xúc trần: Tức xúc chạm qua thân sanh cảm giác ấm mịn trơn thô tháp nhám rít, lạnh nóng mà sanh đắm nhiễm thương ghét. Đây là điều người tu nên nhiếp tâm phòng ý không cho vọng tưởng sanh. Người có tâm lực nhưng thiếu trí quán dù có định lực thâm hậu và quyết tâm tu hành nhưng nếu không cẩn thận nhận được thật tánh các pháp, thấy thân như mộng thì xúc chạm sanh tình dễ lọt vào ái dục không thể thoát. Vì thế tiền thân Đức Thế Tôn là Độc Giác Tiên Nhơn nhân đắm vị trần và bị dâm nữ Phiến Đà dùng xúc chạm mê hoặc mà sa đoạ, hay hình ảnh thanh niên Tissa lúc đầu dũng mãnh xuất gia tu đạo tinh nghiêm, trở thành Trưởng lão Cullapindapalika bị thiếu nữ dùng vị thượng diệu và ải cuối cùng là xúc giác cột trói kéo trở về nhà. Thế nên, phải phòng giặc xúc cẩn trọng. Nhưng ngài Bạt Đà Bà La thì lại nhân khi đi tắm mà ngộ rõ tánh xúc trần như huyển mộng. Như vậy, quan trọng nhất là do sự hướng tâm hành đạo, trí quán chiếu tỉnh giác và nghiệp duyên của mỗi người. Có tâm lực mạnh nhưng không rõ tự tánh các pháp, không có trí quán chiếu ngay thật cảnh hiện tại thì khó thoát lưới lục trần lại cho nó là giặc, nhưng Bồ Tát lại ngay lục trần tu hành chứng đạo, đầy đủ sáu thần thông.
Pháp trần: Tức cảnh vật bên ngoài tác động vào năm trần trên là biệt duyên pháp là tổng quan của cảnh vào sáu căn chủ yếu qua ý căn, từ đó sanh chấp thủ mê đắm ghét bỏ có lỗi lầm. Sở dĩ gọi trần là giặc vì nhân căn duyên trần sanh thức mà trí huệ hay chơn tâm ẩn trong dòng thức sanh diệt không hiển hiện, mất các công đức, chìm trong vọng nghiệp mê mờ, bị nó sai sử nên luân hồi sáu nẻo không thôi. Vì thế, thánh nhị thừa lánh xa các vọng duyên, lìa bỏ nơi ồn náo, ẩn cư chốn không nhàn an trú trong thiền định hằng quán xét mình, không cho vọng niệm sanh. Thế nhưng, Bồ Tát thì lại ngay nơi trần cảnh đó mà quán thật tướng các pháp, ngộ lý chơn thường viên thành Tánh định ngay tại thế gian này.
Điểm khác biệt giữa giáo pháp căn bản và đại thừa là đại thừa chú trọng tâm. Nếu tâm thanh tịnh đối cảnh, tánh biết thường hằng quay về tâm thì thức không sanh, sáu căn là nơi diệu dụng sanh ra tất cả công đức. Nếu tâm tỉnh sáng bất động vào tất cả cảnh phiền não tâm không lay động thì đó là Bồ Tát Di Lặc thường hiện hữu trong ta. Chơn trí hiện tiền, mặc cho sáu tình căn lay chuyển, tự tại mỉm cười trong sanh tử.
Khi tâm vọng chạy theo cảnh thì lục tặc hiện hành dắt ta vào sáu nẻo luân hồi. Tất cả phiền não hiện bày trói ta trong khổ cảnh. Đại thừa rõ phiền não và trí giác Bồ Đề đều như huyễn nên không trừ phiền não chỉ rõ thật tướng của nó không mê lầm thôi.
Như vậy, căn trần không có lỗi, lỗi là do chúng ta mê mờ tự tâm chơn vọng hỗn độn không phân, không ứng dụng được chơn tâm thường trụ. Nếu khi đối cảnh mắt nhìn sắc, cái biết thường hằng quay về tâm thì chơn tâm hằng hiển hiện, trí sai biệt hiện tiền. Khi mê muội, căn duyên trần sanh thức thì tám thức hiện tiền, mê ngộ hiện tiền đầy đủ. Vì thế, Ngài Huệ Hải nói: “Người mê chạy theo sáu căn gọi là Lục Sư”. Người mê mãi theo trần cảnh, nào ai biết được tự tánh của căn trần đều như huyễn mộng. Nếu rõ được thật tánh vạn pháp là như huyễn không thật, thì sanh tử an nhiên không sợ sệt.
Theo giáo pháp căn bản sáu căn là giặc cần đoạn trừ căn bản do ý khi dứt trừ lục tặc hay sáu căn không đối trần thì tâm thanh tịnh. Vì thế, Tỳ Kheo phải ở chox không nhàn không phóng tâm ý theo ngoại cảnh lấy giới và thiền định buộc ngựa ý không cho chạy theo trần cảnh. Khi hàng Tỳ Kheo đắm nhiễm ái dục nam nữ. Đức Phật dạy: “Này Tỳ Kheo! Ngay trong mình, ông đang trồng hạt giống khổ chảy ra phân hôi thúi mà ruồi trùng đều ăn”. Đức Phật lại bảo: “Không hộ trì mắt tai… bị ái dục lôi kéo, trồng giống khổ trong thân, hôi thúi thường chảy ra. Ai sống trong xóm làng, hay ở trong yên tịnh, nhưng cả ngày và đêm, không tư duy chánh pháp, luôn với ý niệm ác, nên suy nghĩ bất thiện, rời xa duyên lạc trú, sẽ nhận quả báo khổ. Người nào hành thiền định, tu tập huệ thù thắng, thường được mắt an ổn, không bị khổ ruồi trùng, thân cận với bạn lành, lời dạy bậc hiền trí, ai học được như vậy, sẽ không còn tái sanh” (Tỳ Nại da tạp sự quyển 35). Hạt giống khổ là ba pháp: suy nghĩ ác dục sân hận sát hại. Chảy ra phân hôi thúi là năm thức chạy theo trần dục trói buột năm căn, chạy theo cảnh lưu động không ngừng. Ruồi trùng đều ăn là tâm thế gian mê mờ chạy theo sáu xứ, không biết chế ngự nên phát sanh tham sân phiền não ưu bi, tạo các nghiệp ác.
Vì thế Đức Phật dạy “Hàng Bồ Tát phải rõ biết ma nghiệp là nhãn sắc, nhĩ thanh, tỷ hương, thiệt vị, thân xúc và ý pháp. Nếu thấy các pháp này sanh tâm đắm trước là hành ma nghiệp” (hội Bửu Nữ Bồ Tát)
Do vậy, người tu hành phải nhiếp tâm tu đạo như kệ nói: “Quét trừ sáu giặc sạch nguồn tâm, vinh nhục vui buồn chớ đuổi cầu, chuyên giữ khí nhu nhìn nội cảnh, nhà thần ngọc sáng (chơn tâm) hiện trong ngần”.
Vậy tu như thế nào để biến sáu giặc thành thông?
Một trong nhưng pháp căn bản đầu tiên là sám hối. Vua Trần Thái Tông có soạn ra khoa nghi, sáu thời sám hối cho mình. Đây là một trong những pháp ăn năn lỗi cũ, không sai phạm mới. Ngày nay, được phần đông người tu Thiền dùng sám hối. Đây là pháp phản tỉnh sáu căn dành cho người sơ tâm chưa rõ được nguồn tâm phải thường hằng nhờ sám hối nhắc nhở thức tỉnh.
Người nhất tâm an trú thiền định tu tập huệ thù thắng thì sáu giặc không sanh.
Người tu thiền có thể dùng quán hơi thở, vô thường hay ba mươi bảy phẩm trợ đạo nhiếp sáu căn trần. Hoặc dùng công án thoại đầu giữ tâm chuyên nhất, không theo trần cảnh.
Người y theo giáo pháp căn bản thì quán Vô Thường, Khổ, Vô Ngã. Chúng ta nên biết hành ba pháp này rốt ráo thì thành tựu giác ngộ cũng có thần thông. Thuở xưa khi Đề Bà Đạt Đa cầu học thần thông đến Đức Phật và các A La Hán, các ngài đều bảo ông nên quán Vô Thường, Khổ, Vô Ngã khi đắc đạo cũng được thần thông. Qua đây chúng ta thấy rõ thần thông là kết quả quyết định phải có khi chứng đạo. Ngược lại, người mong cầu thần thông dù được thông nhưng dễ tạo nghiệp sa đoạ, lúc đó tất cả thần thông đều mất. Tự thân sa vào ác đạo như Đề Bà.
Tư duy pháp cũng là một trong những pháp dứt trừ sáu giặc như Kinh Tứ thập nhị chương nói: “Nhất tâm niệm đạo, ái dục tự tiêu”.
Kinh Thủ Lăng Nghiêm qua pháp tu hai mươi lăm vị thánh cho ta biết chỉ cần nhiếp một trong Căn, Trần, Thức và bảy đại thì trở về nguồn tâm, chỗ này tuỳ theo sở thích và nhân duyên quá khứ của mỗi người mà tự chọn pháp tu sai khác.
Người tu theo Bát Nhã thì Quán thân ngũ uẩn và Sáu Căn, Sáu Trần Sáu Thức Tứ Đế Mười Hai Nhân Duyên cho đến Bồ Đề Niết Bàn đều tự tánh không.
Tu tịnh độ thì nhiếp tâm trong câu niệm Phật hay thiền quán.
Tu theo Duy Thức thì dùng Duy thức quán nhiếp tâm.
Thiền thì nhiếp trong Công Án, Thoại Đầu hay pháp Mặc Chiếu của tông Tào Động.
Như vậy, phương tiện hàng phục tâm hay nhiếp sáu căn không chạy theo sáu trần có rất nhiều. Tuỳ theo người tu pháp nào mà hành dụng có sai khác nhưng tất cả đều đưa đến giải thoát, sự trói buộc của căn trần, tự tại trong ba cõi. Tuỳ theo người hành pháp mà tướng trạng sai khác, dụng công sai biệt nên kết quả không đồng.
Bồ Tát thì ngay nơi sáu trần căn đối trần buộc tâm không chạy theo cảnh, thường hằng phản quan tự kỹ thấy rõ thật tánh như huyễn mộng của các pháp nên thành tựu sáu thần thông ngay tại thế gian này tự tại ra vào địa ngục hoá độ chúng sanh. Người tu Bồ Tát đạo phải thấy Niết Bàn là huyễn mà địa ngục cũng là huyễn. Vậy địa ngục là gì? Đam mê Tình, tiền, danh lợi, si ái, sân si thù hận là địa ngục! Ai muốn vào thì cứ vào. Nhưng làm sao vào được thì phải ra được. Muốn ra chỉ có một cửa ra. Vào địa ngục có sáu cửa nhưng chỉ có một cửa ra. Sáu căn mà một căn thanh tịnh thì mặc tình tự tại vào ra. Sáu căn chính là sáu cửa địa ngục, phá được một cửa thì ra hết. Khi vào địa ngục phải chừa một cửa để ra. Đó là căn thanh tịnh. Khi căn thanh tịnh thì thân thanh tịnh, thân tịnh thì tâm tịnh. Thanh tịnh thì siêu giới thanh tịnh là Bồ Tát nhập địa ngục độ chúng sanh. Nếu không thanh tịnh thì dính luôn trong ngục vậy. Người tự tại trong căn trần không đắm nhiễm thì mới thật sự có năng lực độ sanh. Vì thế, người tu phải hằng thâu nhiếp sáu căn thì được thành tựu giải thoát và phát hiện ra vô lượng năng lực ẩn tàng của nguồn tâm làm lợi lạc chúng sanh, viên thành trí dụng của chính mình.
Bồ Tát dù thân trong địa ngục ác đạo nhưng tâm thanh tịnh hằng vận dụng sáu thần thông hoá độ chúng sanh. Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm Đức Phật dạy: “Cái câu sanh vô minh khiến ông lưu chuyển, đầu mối của sanh tử chính là Sáu căn của ông chứ không phải vật gì khác. Cái giác ngộ vô thượng khiến ông mau chóng chứng an lạc giải thoát tịch tịnh diệu thường cũng chính là sáu căn chứ không có gì khác”. Vậy lỗi do đâu? Do chúng ta để căn chạy theo trần cảnh. Công đức do đâu? Do dùng định huệ giữ gìn. Vì thế, ngài Hà Trạch Thần Hội nói: “Sáu căn không nhiễm là công của định huệ, sáu thức không sanh là lực của như như” (Hiển Tông Ký). Hiền thánh rõ biết như vậy nên quay về nguồn cội của chính mình như lời bảo: “Phàm phu thủ cảnh, người trí thủ tâm. Tâm cảnh như như, là pháp chơn thật”. Do trở về nguồn tâm thanh tịnh nên sáu năng lực của tự tâm hiển lộ. Đó là sáu thần thông.
Vậy sáu thông là gì? Sáu năng lực thần thông thù thắng của bậc Thánh Tam Thừa và Bồ Tát tác dụng vô ngại tự tại siêu việt nhân gian không thể nghĩ bàn do tu thiền định mà được hay. Cũng gọi là Sáu diệu dụng vô ngại tự tại do Phật, Bồ Tát nương sức định huệ mà thị hiện. Còn gọi: Lục Thần Thông; Phạn: Sad abhijnah. Đây là năng lực của nhãn nhĩ và tâm ý và dứt trừ tất cả phiền não mà có. Sáu thông là Thiên Nhãn Thông, Thiên Nhĩ Thông, Tha tâm Thông, Túc Mạng Thông, Như Ý thông (Thần Túc Thông) và Lậu Tận Trí Chứng Thông.
1/- Thần Túc Thông: Còn gọi Thần Cảnh Thông, Thân thông, Thân Như Ý Thông là Năng lực hiện thân tùy ý muốn tự do Vô Ngại. Trí Độ Luận ghi có ba món thần túc thông
Năng đáo: tuỳ ý muốn đến bất cứ chỗ nào.
Chuyển biến: hay biến hoá tự tại tuỳ ý thay đổi tướng trạng.
Thánh như ý hay Tuỳ ý tự tại: tuỳ ý chuyển biến cảnh đối diện ở thế giới bên ngoài. Loại thứ ba này chỉ có Phật mới có. Theo Đại Thừa ở hàng Bồ Tát đây chính là Ý sanh thân
2/- Thiên Nhãn Thông: Có thể thấy được tướng khổ, vui, sống, chết của chúng sanh trong sáu đường và thấy hết thảy hình sắc, chủng loại trong thế gian, không gì ngăn ngại. Nhưng tuỳ theo các quả mà thông sai khác (Ngũ nhãn: Phật: Phật nhãn. Bồ Tát Pháp nhãn Thanh văn. Huệ nhãn. Trời: thiên nhãn. Thường nhân: nhục nhãn)
3/- Thiên Nhĩ Thông: có thể nghe tất cả những âm thanh, buồn, vui, sướng, khổ của chúng sanh trong sáu đường.
4/- Tha tâm Thông: Có thể biết sự suy nghĩ khởi tưởng thiện ác trong tâm của tất cả của chúng sanh trong sáu đường.
5/- Túc Mạng Thông: (còn gọi Túc Trụ Thông) Có thể biết thọ mạng, việc làm của chính mình và chúng sanh trong sáu đường, từ trăm nghìn muôn kiếp.
6/- Lậu Tận Thông: Đoạn trừ hết Kiến Hoặc và Tư Hoặc trong 3 cõi, chẳng bị sự sanh tử trong 3 cõi trói buộc mà được sức Thần Thông lậu tận. (Huệ quang tự điển)
Theo Thanh Văn thần thông là Thần Túc Thông nghĩa, là các pháp biến hóa, biến chỗ này, hiện chỗ kia, bay qua lại các cõi không bị ngăn trở, tự tại vô cùng. Nhưng thật ra, thần thông của Thanh Văn và ngoại đạo là hữu hạn biến hóa tự tại mà không chấm dứt được khổ đau cho chúng sanh. Chỉ bay lượn hiện pháp làm người khiếp sợ mà thôi. Nó là pháp thuật của người tu do thân lực ứng hiện chứ không phải Du Hí Thần Thông Tam Muội của Bồ Tát, vì đây là do tu luyện, mong cầu mà được. Thanh Văn không cầu do tu hành thanh tựu vẫn có, nhưng chưa được tự tại tùy ý.
Đại Thừa Nghĩa Chương Q20 ghi: có bốn phương pháp chứng được thần thông.
Báo thông: Do quả báo sanh về trời tứ thiền tự nhiên được thần thông
Nghiệp thông: Nhờ năng lực của thuốc được thần thông.
Chú thông: Do trì chú có thần thông
Tu thông: Do tu thiền định có thần thông.
Tông Cảnh Lục Q15 nói: Năng lực thần thông có năm đó là:
Đạo thông: Năng lực thần thông dùng vô tâm ứng vật, biến hiện vạn hữu sau khi ngộ lý trung đạo.
Thần thông: Năng lực thần thông nương thiền định tĩnh tâm quán sát tư duy mà biết được túc mạng
Y thông: Năng lực thần thông có được nhờ vào thuốc bùa hộ mạng hoặc chú.
Báo thông Do quả báo của nghiệp mà có thần thông.
Yêu thông Năng lực thần thông của yêu quái.
Thần thông của ngoại đạo nằm trong pháp tướng do bùa chú, ấn khế tập trung thân lực trong vọng thức qua thiền định mà có. Thánh Nhị Thừa do đoạn hoặc chứng thiền định mà có thông nhưng chỉ là diệu dụng của thanh tịnh tâm trong thức thanh tịnh chưa phải là trí huệ chân thật nên năng lực còn hữu hạn vì chỉ là lực của thức tâm, chứ chưa ứng dụng được lực chơn tâm hay diệu trí trùm khắp pháp giới.
Theo Đại Thừa, thần là liễu đạt, thông là tự tại. Thần thông của Bồ Tát là diệu dụng của chơn trí hay diệu dụng của tâm lực do thấu suốt thật tướng tánh không các pháp mà ứng hiện lực dụng và trí sai biệt ứng dụng trong cuộc sống. Pháp hội “Vô Biên Trang Nghiêm” nói: “Bồ Tát cần theo học trí tuệ vô ngại của Như Lai (Chơn tâm). Do sức trí tuệ này, nơi tất cả pháp, biết rõ quyết định biết rõ không có chút pháp nào là có thể rõ biết, trụ nơi vô sở đắc, trụ vô đẳng đẳng, cũng chẳng thấy có vô sở đắc, vô đẳng đẳng. Trụ nơi A Lan Nhã không chấp trước trụ trí tuệ thanh tịnh, không có chút pháp nào mà chẳng thấy rõ, chẳng biết rõ, xa lìa vô minh hắc ám không bị chướng ngại, khéo trụ nơi trí tuệ vô lượng vô biên. Trí tuệ này có thể khéo rõ biết căn tánh thượng trung hạ của chúng sanh, làm cho chư Bồ Tát an trụ công hạnh bình đẳng, phát khởi thần thông. Do đây được thành tựu thần thông, do sức thần thông này nên khéo an trụ nơi Giới, Định, Tuệ Giải Thoát, Giải Thoát Tri Kiến cùng sáu môn ba la mật. Do được chân thật gia trì nhiếp thọ nên có thể được vô lượng thần biến sai khác, được tự tại nơi thế gian này, ngồi toà sư tử đánh trống pháp lớn, làm cho đại chúng trong các pháp hội thảy đều hoan hỷ và làm lợi ích lớn cho tất cả chúng sanh”. Như vậy, tất cả thần thông của Bồ Tát đều từ chơn tâm thanh tịnh hay chơn trí bát nhã sanh, không phải là dụng của vọng thức. Bồ Tát có thần thông không hiển lộ mà ẩn dật dùng nó giáo hoá chúng sanh giúp cho người mê thức tỉnh đạo mầu, hướng tâm tu về đạo giác ngộ hoặc ẩn mật gia hộ người tu sớm viên thành đạo quả, chuyển chánh pháp luân nối truyền mạch pháp.
Bậc A La hán ngoài lục thông còn có Tam Minh tức ba pháp Thiên Nhãn Minh, Túc Mạng Minh, và Lậu Tận Minh. Sự khác biệt giữa Thông và Minh là Thông chỉ là năng lực thấy bằng thiền định. Minh là thấy bằng thiền trí dung thông, nhưng thánh nhị thừa chỉ thấy trên trí thanh tịnh của thức tánh hay Nhơn Vô Ngã Trí chưa phải là Căn Bản Trí hay Chơn Tâm tức chưa nhận được pháp không hay Pháp Vô Ngã Trí nên còn kẹt trong chấp pháp. Chỉ thấu suốt được chơn lý chứ chưa thấu suốt thật tướng như chư Phật và hàng Bồ Tát Thập Địa. Nói cách khác Thông chỉ thấy tướng trạng rõ ràng nhưng không biết tận cùng sự ẩn mật. Mình thì thấy rõ suốt cùng tận tất cả tánh tướng ẩn tàng bên trong không chướng ngại.
Như vậy, chúng sanh không rõ nguồn tâm, không tu chánh định nhiếp tâm để căn duyên theo trần cảnh nên giặc sáu trần tung hoành ngang dọc, trói chặt trong sanh tử khổ đau. Khi mất theo nghiệp vọng luân hồi trong sáu nẻo. Hiền thánh chẳng theo trần cảnh chuyên tu thiền định nên thành tựu ngũ thông hay lục thông.
Bồ Tát Ma Ha Tát thì thành tựu đến thập thần thông: 1) Thiện tri tha tâm trí thần thông. 2) Vô ngại thiên nhãn trí thần thông. 3) Túc trụ quá khứ tuỳ niệm trí thông. 4) Túc tru vị lai tuỳ niệm trí thần thông. 5) Thiên nhĩ thanh tịnh viên mãn Vô ngại trí thần thông. 6) Trụ vô thể tánh vô động trí thần thông. 7) Thiện xảo phân biệt ngôn thuyết trí thần thông. 8) Phổ hiện nhất thiết sắc thân trí thần thông. 9) Nhất thiết pháp trí thần thông. 10) Nhứt thiết pháp diệt tận tam muội trí thần thông chứ không phải chỉ có lục thông. (theo kinh Hoa Nghiêm)
Do sức trí huệ vượt ngoài tình thức, không bị giới hạn bởi không gian thời gian nên Bồ Tát thành tựu thù thắng như thế. Như vậy, thần thông không có gì khác là trí dụng khi thấu suốt thật tướng các pháp và thành tựu định lực hay ứng dụng được tâm lực. Tuỳ theo năng lực tu hành mà khi thành đạo. Tất cả người tu đều có thần thông, người chưa có thông thì chưa phải là người thấy được tự tánh thanh tịnh của các pháp.
Một điểm đặc thù mà tất cả người tu cần rõ là đạo Phật không chủ trương tu chứng thần thông nhưng tất cả các bậc thánh Thanh văn ngay cả các cư sĩ khi đắc đạo đều có thần thông. Về sau, khi giáo pháp phát triển vào thời Tượng và Mạt pháp hiện tại vì chúng ta tu chưa đến mức chưa hoàn toàn thanh tịnh nên ít có năng lực đó. Lại chạy theo tri thức cho thần thông là không có thật. Có người vì muốn hiển sự kỳ đặc của tông môn nên cho ăn bánh uống trà là thần thông hay tất cả hành dụng đều là thông, còn biến hiện hay năng lực khác là ngoại đạo. Cho người tu có thần thông là sai chánh pháp. Đây là phương tiện diễn giải để che khuyết của mình, làm sai lạc chánh giáo, che mất chánh kiến của người sau. Đây là chỗ thiên nữ trong kinh Duy Ma rãi hoa mà tất cả Thanh Văn phủi do tâm phân biệt, như nói: “Vì sợ sanh tử cho nên Sắc Thanh Hương Vị Xúc được thừa dịp não loạn, vậy khi lìa sợ sệt, tất cả năm dục chẳng làm gì được”. Phải mạnh dạn thấy rằng vì chưa thành tựu hay chưa đúng pháp nên chưa thành tựu. Thật ra, đạo Phật lý và sự dung thông, người tu chứng quả thì quyết định phải có năng lực. Vì ngoại đạo tu thiền định hay thần chú mà có năng lực, nếu người tu Phật pháp mà không có năng lực hơn họ chẳng lẽ giáo pháp Đức Phật thua sút họ hay sao? Chỉ do chúng ta chưa tu hành đúng chánh pháp, chưa thành tựu được tâm lực và trí lực, pháp lực nên không ứng dụng được thôi. Đây là điều mà tất cả người học Phật nên lưu ý lấy làm mục tiêu thành tựu của mình. Ngài Lâm Tế Nghĩa Huyền nói: “Đức Phật có sáu thần thông chẳng thể nghĩ bàn, tất cả chư Thiên, thần tiên A Tu La, Đại Lực Quỷ cũng có thần thông như vậy có phải Phật không? Người học đạo chớ lầm! Như A tu La cùng trời Đế thích đánh nhau, thua trận, dẫn tám vạn bốn ngàn quân chung trốn trong lỗ cọng sen không là thánh ư?
Theo chỗ nêu của sơn tăng đó chỉ là Nghiệp thông Ý thông. Phàm như lục thông của Phật vào sắc giới chẳng bị sắc lầm gạt, vào thanh giới chẳng bị tiếng lầm gạt, vào hương giới chẳng bị hương lầm gạt, vào xúc giới chẳng bị xúc chạm êm ấm trơn mịn lầm gạt, vào pháp giới không chẳng bị lầm gạt. Vì lẽ thông đạt sáu thứ sắc, thanh, hương, vị, xúc. Pháp đều là không tướng làm sao trói buộc. Đạo nhân không chỗ nương này tuy là xác phàm năm ấm, chính là bậc địa hành thần thông”. Như vậy, theo ngài Lâm Tế: người tu sáu căn không nhiễm sáu trần không sanh sáu thức, là thần thông.
Trong Khoá Hư Lục, Trần Thái Tông nói: “Chuyển sáu căn thành sáu thần thông” để tán thán bậc tu hành đắc đạo. Nhưng thật ra, khi đối chiếu kỹ sáu thông chúng ta chỉ thấy dụng của nhãn, nhĩ, thân, tâm, ý chính xác hơn chỉ có bốn căn mà không có dụng của tỷ, thiệt. Có lẽ phần đông bậc nhị thừa chưa ứng dụng được thông của hai căn này nên chúng ta ít thấy đề cập đến. Chỉ có trong thuyết pháp có nói đến biện tài vô ngại là liên quan đến thiệt căn nhưng hình như không thuyết phục mấy vì không phải vị A La Hán nào cũng có Tứ biện tài. Theo đại thừa đặc biệt là kinh Pháp Hoa trong phẩm Pháp Sư công đức có nêu lên công đức sáu căn:
Mắt thanh tịnh thấy ba ngàn thế giới, tất cả chúng sanh trong đó đều thấy biết rõ ràng.
Tai nghe khắp ba ngàn thế giới tất cả âm thanh đều phân biệt rõ tất cả các thứ tiếng của nhơn loại và trời rồng tám bộ cho đến tiếng kêu khóc rên la khổ não của chúng sanh trong địa ngục tiếng tất cả loài thú, tiếng loài quỷ và lỵ mị vọng lượng đều nghe biết rõ ràng không lầm lẫn.
Mũi nghe tất cả mùi thơm thúi của tất cả hoa hương và tất cả vật tịnh uế mùi chúng sanh nam nữ trong tất cả loài cho đến chư thiên, mùi hoa lạ kỳ vật, mùi thơm thanh tịnh của Hiền Thánh Bồ Tát chư Phật đều ngửi biết rõ, dù chưa được pháp vô lậu sanh tỷ của Bồ Tát.
Lưỡi thù thắng theo Pháp Hoa là lưỡi thanh tịnh, trọn không thọ vị xấu, người đó ăn uống chi đều thành vị cam lộ, dùng tiếng hay thâm tịnh, ở trong chúng nói pháp…
Thân thanh tịnh trong sạch chúng sanh ưa thấy, tất cả chúng sanh trong tam thiên đại thiên thế giới, tất cả mười pháp giới đều hiện rõ trong thân.
Ý căn thanh tịnh như kinh nói: Ý người đó thanh tịnh, sáng lạnh không đục nhơ, dùng ý căn tốt đó, nói pháp thượng trung hạ, nhẫn đến nghe một kệ, thông đạt vô lượng nghĩa. Tất cả tâm tưởng của chúng sanh trong sáu đường đều rõ biết cho đến tất cả chư Phật nói pháp mầu đều hay biết rõ thọ trì.
Như vậy, Kinh Pháp Hoa cho chúng ta thấy rõ dụng của sáu căn của người thọ trì rất lớn. Có thể nói sáu thông theo phẩm Pháp Sư kinh Pháp Hoa mới thật sự là sáu căn linh thông viên nhiếp sáu giới cho đến mười pháp giới không chướng ngại theo tinh thần Lăng Nghiêm của người tu Bồ Tát đạo.
Như vậy, sự liên hệ giữa tặc và thông quá rõ ràng, do thức và trí sai biệt do dụng được tâm hay không. Người mê muội không rõ tâm mình, chạy theo sáu trần thì bị sáu trần trói buộc làm nô lệ cho nó. Người có thế trí biện thông và có điều kiện vận dụng được trần thì dùng nó tạo sự nghiệp thế gian nhưng cũng không thoát được vòng tay sáu giặc. Hiền thánh thế gian và thánh nhị thừa biết rõ điều nầy nên lánh xa nó coi như rắn độc. Bồ Tát rõ biết tự tánh căn trần như huyển mộng ảo ảnh không thật nên khi thành tựu tâm định lực bất động thì vào pháp giới trừng tâm do vậy nhập vào Bất Động Địa.
Qua hình ảnh Bồ Tát Di Lặc ngồi cười hoan hỷ trước sự tung hoành của sáu giặc cho thấy Bồ Tát tự tại trong căn trần vì khi đã chuyển bát thức thành tứ trí thì ngay nơi căn trần là thần thông hay diệu dụng của chơn trí hiện tướng cười hoan hỷ. Phải chăng ngài Di Lặc muốn nhắn nhủ tất cả người tu phải làm sao tự tại trong căn trần như ngài mới thật sự là chơn giải thoát. Vì chúng sanh bị căn trần trói chặt, thánh nhị thừa cho căn trần là oan gia đề phòng như giặc. Chỉ có Bồ Tát viên thành trí huệ bất động mới tự tại mỉm cười, luôn hoan hỷ trong sanh tử khổ đau, hằng ra vào sáu cõi độ sanh không chướng ngại, vì các ngài rõ biết tất cả pháp như huyễn, sanh tử Niết bàn như mộng, thần thông hay lực dụng của tâm cũng là huyễn như người ảo thuật hiện tất cả sắc tượng làm trò trước quần chúng. Chính ngay nơi phiền não tự tại được thì trí giác Bồ Đề mới hiển lộ. Vì thế, Ngài Hàm Thị nói: “Từ cửa mắt vào gọi là sắc, từ cửa tai vào gọi là tiếng, mũi, lưỡi, thân, ý mỗi căn đều phân chia, hương vị xúc pháp lại dung thông nhau mà lần hiện. Căn trần đâu có khác mê vọng thảy đều thường. Chính cái ngã kiến ngã tâm của kẻ mê loạn chính là chơn trí, chơn lý của Thánh Hiền. Cái sai biệt như thế cốt phải một phen xoay trở lại. Ngay nơi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý mà chẳng duyên theo trần chỗ đó là chơn như hay trí”.
Tóm lại, sáu căn là nơi ẩn chứa vô biên diệu dụng của nguồn tâm. Người mê không rõ nên bị căn trần cột chặt trong sanh tử. Hiền Thánh rõ được tâm mình nên dùng thiền trí diệu dụng sáu trần qua sáu căn thành tựu vô lượng sự huyền diệu. Trong bộ não mỗi con người có đến 14 tỷ tế bào thần kinh hệ. Có thể nói bộ não con người là một bộ máy vi tính huyền diệu và hoàn hảo nhất của hoá công, nếu biết sử dụng thì có thể tương thông cùng vũ trụ thì lực dụng trùm khắp pháp giới. Thế nhưng, trong suốt cuộc đời của mình, mỗi người sử dụng không quá 5% noron thần kinh não vào cuộc sống, còn bao nhiêu chúng tự chết dần hoại liệt theo thời gian. Ngay cả những bác học gia lỗi lạc nhất cũng chưa sử dụng quá 10% tế bào nơ ron thần kinh hệ này.
Vì sao? Dùng vọng thức chỉ dụng được phần nhỏ tế bào của võ não. Chỉ có thiền định mới ứng dụng được phần nào lực dụng vô biên của nguồn tâm. Vì thiền định thâm sâu mới đưa được nguồn năng lực của tự thân lên não, làm sống lại tất cả tế bào não vận hành bên trong, làm cho người có năng lực hoạt động nhạy bén sinh động lên. Khi người tu vào được Tánh định trở đi, khai thông tất cả trung tâm lực, lìa tất cả chấp trước về ngã và pháp, tâm như hư không, vào Trí định của chư Phật mới lần ứng dụng được tất cả năng lực của bộ máy này.
Nhưng đáng buồn thay, con người hiện đại chỉ dùng được vi tính của bên ngoài chứ không mấy ai biết đến bộ máy bí mật trong thân. Các bậc hiền thành từ thuở xưa đã nhận chân được điều kỳ diệu này nên dùng thiền định quán chiếu lại tâm mình, rõ thấu nguồn tâm cùng thật tướng của vạn pháp để ứng dụng vào cuộc sống làm lợi lạc cho mình và muôn loài trên tinh thần vô ngã. Có thể nói đó là vận hành tất cả năng lực của thân hoà nhịp với vũ trụ phát sanh ra những năng lực không cùng tận. Chúng sanh mãi chìm trong vật dục nên không làm chủ được mình, do chạy theo sáu trần sanh phiền não tham sân nên bệnh khổ luôn theo thân nào biết cách tự điều phục mình, nên bị khổ đau trong mê vọng.
Tất cả thần thông không có gì khác chính là những năng lực ẩn kín trong thân. Chư Phật Bồ Tát và Hiền Thánh ứng dụng được nó do điều thân, điều tức, điều tâm thành tựu, khai thông tất cả bế tắc trong cơ thể của mình và không còn niệm khởi phiền não, xoay cái biết trở về tâm thì muôn pháp hiện tiền mặc tình diệu dụng. Muốn biết khắp tất cả vạn pháp sanh diệt phải trở về được nguồn tâm. Chư Phật ứng dụng được lực của tâm thanh tịnh tương thông cùng vũ trụ nên lực dụng trùm khắp pháp giới. Nhưng các ngài không trụ chấp vào thần thông của mình nên thành tựu giải thoát an lạc ngay tại thế gian này. Trong lúc người mê do phiền não tham dục bê mất tất cả mạch lạc trong thân. Do vậy, muôn bệnh từ đó sanh, luân hồi sanh tử trầm luân cũng do nơi đây mà có, tất cả sáu nẽo chúng sanh từ đây hiện.
Người đắm mê thần thông thì lọt vào ngoại đạo tà giáo và chỉ ứng dụng được chút vỏ ngoài của thông vì còn phiền não tham sân che khuất nên không phát huy được diệu dụng không cùng của tâm mà chỉ là lực dụng của thân và thức, vì phiền não chưa trừ nên khó tránh nghiệp ba đào. Vì ngộ được lý nguồn tâm rõ biết diệu dụng vô cùng của tâm, Tú tài Trương Chuyết có kệ rằng: “Quang minh tịch chiếu khắp hà sa, Phàm thánh cùng chung ở một nhà, Một niệm không sanh toàn thể hiện, sáu căn vừa động phủ nguồn mê, đoạn trừ phiền não trùng thêm bệnh, thú hướng chơn như ấy cũng tà tuỳ thuận chúng duyên vô quái ngại, Niết bàn sanh tử thảy không hoa”.
Như vậy, là người Phật tử rõ chánh pháp Đức Thế Tôn, chúng ta muốn làm phàm hay thánh thảy do mình. Nhiếp sáu căn trở về nguồn tâm hằng tỉnh giác hay thường hằng nhìn trở lại chính mình (phản quan tự kỷ) là bậc hiền nhơn chơn chánh, nếu thấu ngộ nguồn tâm thì thánh đạo chẳng xa, sáu thần thông mặc tình ứng dụng. Thả sáu căn theo sáu trần thì sáu giặc tung hoành trói ta trong sanh tử, sáu cõi hiện bày là phàm phu ngu si trong sanh tử khổ, người xưa nói đạo lớn chỉ ở ngay trước mắt chính là đây vậy.
Vậy muốn là phàm hay thánh hiền, muốn tâm mình thông hay bít, thân được tự tại hay bị trói buộc là tuỳ ý của mình, chứ chư Phật Bồ Tát chỉ hiện tướng khai thị để lại giáo pháp cho ta tu hành, nếu hữu duyên thì các Ngài âm thầm gia hộ cho kẻ tu hành chứ không thể làm chúng ta trở thành hiền thánh được. Chúc tất cả pháp lữ đồng tu hàng phục được lục tặc chính mình, đầy đủ sáu thần thông, được tâm bất động trước bao phiền não sóng gió cuộc đời, hàng phục được ngoại ma làm cho chánh pháp sáng lên cho tất cả người mê lầm say ngủ, đồng thức giấc mơ hoa, đồng thành tựu được tri kiến chơn thật và tất cả năng lực như chư Phật và hiền thánh.
Bài viết cùng chủ đề:
- CÁCH LẬP ÐÀN DƯỢC SƯ - Thập Nhị Dược Xoa Thần Tướng
- Trường Trung cấp Phật học Đà Nẵng tổ chức lễ tốt nghiệp và khai giảng năm học mới
- Ban trị sự tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu nhiệm kỳ (2012-2017)
- Cáo phó Cố Ni Sư Thích Nữ Như Dung
- Tịnh Xá Ngọc Duyên trang nghiêm tổ chức Đại lễ Vu lan Báo hiếu 6.7.Nhâm Dần - 2022
- CHÙA LONG NGUYÊN - ĐẠI LỄ VU LAN BÁO HIẾU 12.7.Nhâm Dần - 2022
- CHÙA THÍCH CA 1 TRANG NGHIÊM TỔ CHỨC ĐẠI LỄ VU LAN BÁO HIẾU (7.7.QUÝ MẸO-2023)
- CHÙA DI LẶC TRANG NGHIÊM TỔ CHỨC ĐẠI LỄ VU LAN BÁO HIẾU (8.7.QUÝ MẸO-2023)
- CHÙA KIÊN LINH TRANG NGHIÊM TỔ CHỨC ĐẠI LỄ VU LAN BÁO HIẾU MÙNG 4 THÁNG 7 NĂM GIÁP THÌN-2024
- CHÙA NHƯ LÂM-TP. BÀ RỊA-ĐẠI LỄ VU LAN BÁO HIẾU-NGÀY 23.7.GIÁP THÌN-2024
- ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN 2024-BAN TRỊ SỰ GHPGVN TP. BÀ RỊA
- Triển Khai Hiến Chương Giáo Hội - Hòa Thượng Thích Thiện Nhơn Chủ Tịch HĐTSTW
- Lễ khai mạc Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần 7 (2012-2017)
- Đại lễ Khánh Thành Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh
- Cuộc Đời và Đạo Nghiệp Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Thanh Bích
- GHPGVN TP. Đà Nẵng Thiết trí Lễ đài Phật đản PL. 2560 - DL. 2016
- Diễu hành xe hoa Mừng Phật Đản PL.2562 - BTS GHPGVN tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu
- Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Minh Châu-Cuộc Đời & Đạo Nghiệp
- Phật Giáo Thành Phố Bà Rịa - Kính Mừng Lễ Phật Đản PL: 2562 - DL: 2018
- ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN VESAK BAN TRI SỰ PHẬT GIÁO TP-BÀ RỊA -PL:2563- DL:2019 ngày 13/4/Kỷ Hợi (17/5/2019)
- CHỮ TÂM TRONG ĐẠO PHẬT-TT.THÍCH TRÍ
- Ban Từ thiện xã hội PG TP.Bà Rịa tổ chức Phiên chợ 0 đồng trước thềm xuân Giáp Thìn
- LỊCH SINH HOẠT TRƯỜNG HẠ PL.2567 - DL.2023
- Ban Trị sự GHPGVN TP.Bà Rịa tham dự Hội nghị Tổng kết phong trào thi đua năm 2022
- TP.BÀ RỊA BẾ GIẢNG KHÓA AN CƯ PL.2566
- TP. Bà Rịa: Buffet chay gây quỹ ủng hộ Đại hội PG tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu
- Thượng toạ Thích Kiến Tánh sinh hoạt Đại cương các bộ luật Phật giáo tại Hạ trường Chùa Long Quang
- Ni trưởng Thích Nữ Thuần Trí với chủ đề Mục đích và ý nghĩa cuộc sống tại Hạ trường Chùa Bảo Hải
- NS. Thích Nữ Linh Viên giảng Tín Tâm Minh (tiếp theo) tại Hạ trường Chùa Bảo Hải
- NT. Thích Nữ Như Từ quang lâm thăm hỏi Hạ trường Ni Chùa Bảo Hải
- ĐĐ. Thích Hoằng Trí chia sẻ pháp thoại "Thiền Tịnh bất nhị" tại Hạ trường Chùa Long Quang
- TT. Thích Thiện Thuận với pháp thoại chủ đề Tỳ-ni trong đời sống Tăng sĩ tại Hạ trường Chùa Long Quang
- HT. Thích Giác Hạnh giảng Tứ tất đàn tại Hạ trường Chùa Long Quang